1
Bạn cần chúng tôi tư vấn gì không ạ?

Cốm làng Vòng - hương nồng nàn gọi thu Hà Nội

Cốm làng Vòng - hương nồng nàn gọi thu Hà Nội - 5.0 out of 5 based on 1 vote

Bạn đánh giá: 5 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lực
 

 

 cốm làng Vòng Hà Nội

Cốm làng Vòng - một thứ quà ngon nổi tiếng của Hà Nội

Mỗi độ thu về, trong tiết trời se lạnh, Hà Nội lại nồng nàn mùi hương cốm - một thứ quà ngon nổi tiếng của chốn Kinh kỳ. Đi qua các con phố, thoang thoảng trong gió cái hương thơm nồng nàn, chợt ngân nga câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/ Mùa hoa sữa về, thơm từng ngọt gió/ Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ/ Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua".

Cốm làng Vòng là một đặc sản ẩm thực của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5-6 km, nay là phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Từ xa xưa, đã có câu: “Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn''.

Nghề làm cốm làng Vòng bắt nguồn từ truyền thuyết: Vào một mùa thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn, đê vỡ, ruộng lúa đều chìm trong biển nước.

đặc sản cốm làng Vòng

Cốm được gói bằng lá sen

Người làng Vòng đành mò cắt những bông lúa còn non đem về rang khô, ăn dần, chống đói. Không ngờ cái sản phẩm bất đắc dĩ ấy lại có hương vị riêng, rất hấp dẫn, khiến người làng Vòng thường hay làm để ăn chơi mỗi khi mùa thu đến.

Cứ mỗi lần làm là một lần rút kinh nghiệm, sáng tạo thêm nên hạt cốm ngày càng xanh, càng mỏng, càng dẻo thơm. Và cốm làng Vòng vượt qua khỏi lũy tre làng, theo những gói quà, những gánh hàng rong đến với người thân, người ăn chơi sành điệu, là đặc sản quý tiến vua các triều Lý (1009-1225) và trở thành món ăn tao nhã nổi tiếng của người Tràng An.

Để có được cốm làng Vòng đúng vị thì phải trải qua nhiều giai đoạn công phu. Để làm ra hạt cốm ngon, người ta phải lựa chọn những bông lúa nếp non thơm ngon đủ độ nhất, khi dùng móng tay bấm phải ra giọt sữa bên trong lớp vỏ trấu màu xanh. Không được chọn lúa già vì hạt cốm không còn xanh, cứng và gãy nát. Lúa non quá, hạt cốm bết vào vỏ trấu, nhão mất ngon.

Sau đó, sẽ tuốt lấy hạt, rang lên vừa đến độ chín rồi cho vào cối giã, thường lúa gặt hôm nào đem rang và giã luôn hôm đó. Giã cốm bằng loại cối riêng, nhịp chày nhè nhẹ, đều đều và khoan thai như vậy cốm mới mịn, dẻo và không bị nát.

bánh cốm làng Vòng

Món bánh cốm cũng vô cùng thơm ngon

Khi giã phải luôn tay đảo cốm từ trên xuống, dưới lên cho đều, cứ giã xong một lượng lại sảy trấu đi rồi giã lại. Thông thường, người ta giã đủ 7 lần cốm mới sạch, mới xanh và mặt cốm mới bóng đẹp. Khi giã, cần bóc hết trấu rồi cho nước lá mạ vào hồ để tạo nên loại cốm màu xanh đặc trưng, mà ta vẫn gọi là xanh màu cốm.

Cốm làng Vòng thường được gói trong lớp lá sen. Có lẽ thứ quà tinh khiết ấy phải được gói bằng lá của loài hoa “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” thì mới thấy hết được ý nghĩa của nó. Mặc dù đó chỉ là cách suy luận, nhưng thực tế thì cốm được gói bằng lá sen thơm và ngon hơn khi gói bằng một thứ lá khác.

Để thưởng thức đúng điệu, cốm thường được ăn kèm với chuối tiêu, bên ấm trà ngon. Quả chuối được bẻ đôi hoặc cắt thành từng lát, chấm miếng chuối vào cốm rồi cho vào miệng nhai thật chậm. Cái vị ngọt thơm nồng của chuối hòa quyện vị dẻo bùi của cốm và thoảng chút hương dìu dịu của lá sen khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi.

Ngoài ra, cốm còn có thể làm nguyên liệu để chế biết rất nhiều món ăn như bánh cốm, xôi cốm, chè cốm, chả cốm… Mỗi món đều có một hương vị thơm ngon, đặc sắc riêng.