[KENH14.VN] Về Làng Vũ Đại Ngày Ấy và Trải Nghiệm Kho Cá

[KENH14.VN] Về Làng Vũ Đại Ngày Ấy và Trải Nghiệm Kho Cá - 5.0 out of 5 based on 1 vote

Bạn đánh giá: 5 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lực
 

Mỗi ngày, một hộ gia đình ở "làng Vũ Đại" có thể xuất đi hàng trăm niêu cá kho ngon nức tiếng. Mỗi niêu cá có giá từ 400.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng, đem lại giá trị kinh tế vô cùng lớn. Rong ruổi một ngày ở Hà Nam, chúng tôi ghé thăm làng Đại Hoàng (Hoà Hậu, Lý Nhân, Hà Nam). Làng được nhiều người nhắc đến với cái tên “làng Vũ Đại ngày ấy”

Nơi mà Chí Phèo và Thị Nở đã sinh ra trong văn học của Nam Cao. Làng Vũ Đại còn được biết đến với tiếng thơm về nghề cá kho mà người ta vẫn gọi là “cá kho Vũ Đại”.

 

Kiếm bạc tỷ nhờ nồi cá kho

Được sự chỉ dẫn của người dân trong làng, chúng tôi tìm đến cơ sở làm cá kho gia truyền của bác Trần Bá Luận (xóm 1, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) là cơ sở cung cấp cá kho có tiếng của làng. Chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến cảnh “tất bật chạy cá” ở đây. Theo quan sát, các niêu cá được đặt lần lượt trên những chiếc kiềng bếp theo hàng dài. Khắp đằng trước, đằng sau, bếp trong, bếp ngoài, chỗ nào cũng thấy bếp đang đun cá kho. Lúc này, có khoảng 150 niêu cá đang được đỏ lửa và tất cả đều đã có đơn đặt hàng.

Cơ sở cá kho của bác Luận là một trong năm cơ sở kho cá của làng, trong đó gia đình bác có thể được xem là lớn nhất. Bác Luận cho biết: “Mỗi ngày gia đình bán được khoảng 100 niêu cá, xuất chủ yếu lên Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, còn nhiều đơn đặt hàng vào tận Sài Gòn, Bình Dương… Những ngày giáp Tết vừa qua, trung bình mỗi ngày gia đình phải xuất đi hơn 200 niêu cá. Mỗi niêu có giá từ 400.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, tùy thuộc vào khối lượng cá”. 1kg cá có giá 200.000 đồng, mỗi niêu cá mất 200.000 đồng chi phí vận chuyển và phí đóng hộp. Một niêu cá ít nhất cũng có 1kg, vì vậy, giá thấp nhất là 400.000 đồng. Những nồi to hơn thì có nhiều giá, nhưng nhiều thì khoảng 6kg cá, những niêu ấy có giá 1,5 triệu đồng. Ngày hôm đó, gia đình bác Luận đã xuất 4 chuyến với hơn 50 niêu cá kho vào Sài Gòn, hơn 10 chuyến lên Hà Nội. Ngoài ra, còn có nhiều người từ nơi khác như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng… đến đặt và lấy hàng, hay có những đoàn du lịch đi ngang qua cũng ghé vào mua “đặc sản làng Vũ Đại”. Cô Nhung, một người trong đoàn giáo viên đến từ Bắc Ninh đi lễ chùa ở Nam Định ghé qua làng mua cá, chia sẻ: “Nghe tiếng cá kho Vũ Đại đã nhiều nên ai cũng muốn mua một niêu về thưởng thức. Giá hơi đắt một chút nhưng nhìn cũng khá ngon”. Riêng đoàn tham quan từ Bắc Ninh cũng có tới hơn 30 người, tham quan cơ sở kho cá gần như ai cũng xách về một vài niêu, thậm chí có người còn xách tận 5 niêu mua giúp người thân. 6 rưỡi tối nhưng hai vợ chồng bác Luận vẫn tất bật chạy đôn, chạy đáo đóng hàng cho khách, rồi lại chuẩn bị để nhập cá tươi. Hiện tại, gia đình bác Luận có 15 thợ chuyên trông coi và kho gần 300 niêu cá mỗi ngày. Hai vợ chồng bác phải làm tới 1 – 2 giờ sáng vẫn chưa được đi ngủ. Nghề “thất truyền” được “hồi sinh” Bác Luận cho biết: “Nghề cá kho gia truyền đã có từ rất lâu rồi, lâu như thế nào thì cũng không ai còn nhớ nữa, chỉ biết từ đời này đến đời khác sinh ra đã biết đến nghề làm cá. Từ thời Nam Cao và cho đến giờ con cháu của Nam Cao cũng đã có và lưu giữ cái nghề này”.

Trước đây, nghề kho cá đã một thời bị nhiều người lãng quên vì nó không đem lại thu nhập hiệu quả cho người dân trong làng. Từ đầu những năm 2000, khi mọi người đã có đủ cái để ăn no, thì người ta bắt đầu nghĩ đến ăn ngon. Người làng Vũ Đại bắt đầu nghĩ đến chuyện chế biến món cá trở nên mới lạ hơn, không còn kho mặn như ngày xưa, nhưng vẫn giữ được mùi vị và cách kho gia truyền. Nghề kho cá vì thế được “hồi sinh”.

“Cá kho Vũ Đại” được chế biến từ cá Trắm Đen, những con phải nặng từ 3 – 8kg mới cho món cá kho được chắc thịt. Cá được nhập từ Hà Nam, Nam Định, Thái Bình. Gia vị của món cá kho gồm rất nhiều thứ: tỏi, ớt, giềng, chanh… Nhưng để có được một nồi cá kho ngon không phải dễ, hương vị quan trọng nhất nằm ở nước gia vị, mà chỉ có chủ gia đình mới biết bí quyết pha chế. Trong gia đình bác Luận chỉ có hai vợ chồng bác biết cách pha chế, thậm chí cả các con hay những người làm tới 6 - 7 năm rồi cũng không thể biết được.

Mỗi niêu cá đun trong khoảng 10 – 12 tiếng, tùy thuộc vào niêu to hay nhỏ, người giữ lửa có tốt hay không. Chanh là một gia vị không thể thiếu để làm nên hương vị thơm cho niêu cá. Cá khi kho xong thịt phải rắn chắc, có màu vàng nâu, mùi thơm ngon, hấp dẫn. Với khí hậu nước ta, nếu để ở ngoài có thể bảo quản cá trong 2 – 3 ngày, còn nếu cho vào tủ lạnh, khi kho lại cá vẫn giữ được mùi thơm.

“Làng Vũ Đại ngày ấy” được biết đến là quê hương của Nam Cao, với những nhân vật văn học nổi tiếng như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến. Giờ đây, làng lại được biết đến với tiếng thơm “chuối nghệ làng Hoàng, cá kho Vũ Đại” (làng Đại Hoàng hay còn gọi là làng Hoàng). Người dân biết “nhập thời cuộc” để biến nghề truyền thống thành món ăn thơm ngon cá Vũ Đại ngày càng được nhiều người biết đến.