1
Bạn cần chúng tôi tư vấn gì không ạ?

Bánh đa Kế - món quà quê thơm bùi, giòn rụm của Bắc Giang

Bánh đa Kế - món quà quê thơm bùi, giòn rụm của Bắc Giang - 5.0 out of 5 based on 1 vote

Bạn đánh giá: 5 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lực
 

 Bánh đa Kế ngon

Bánh đa Kế chứa đựng sự công phu, khéo léo và tinh tế của người làm

Bánh đa Kế là một món ăn bình dị, dân dã nhưng chứa đựng trong đó bao hương vị của làng quê. Những chiếc bánh đa vàng bóng, mang vị thơm bùi của lạc, vừng… đã trở thành món quà không thể thiếu đối với du khách mỗi khi ghé thăm vùng đất Bắc Giang.

Làng Kế là ngôi làng cổ thuộc xã Dĩnh Kế của thành phố Bắc Giang ngày nay. Người dân trong vùng thường gọi là bánh đa Kế, bởi những chiếc bánh đa được làm ra ở đây có hương vị rất đặc trưng, không giống với bánh đa ở bất cứ nơi đâu.

Bánh đa Kế có từ lâu đời, là một sản phẩm truyền thống chứa đựng sự công phu, khéo léo và tinh tế của người làm. Một món ăn chơi tưởng chừng khô khốc lại trở nên giòn tan, bùi lạ dưới bàn tay khéo léo của người dân làng Kế.

Bánh đa Kế Bắc Giang

Hạt gạo hòa cùng những giọt nước tan ra thành bột mịn và trắng muốt

Để làm nên những chiếc bánh đậm đà hương vị quê hương, thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng lại đòi hỏi sự công phu, khéo léo vô cùng. Nguyên liệu chính để làm bánh đa Kế là loại gạo ngon, được vo rất nhẹ nhàng làm sao cho vừa sạch lại vừa bảo đảm những bụi cám vẫn còn dính trên hạt gạo.

Sau đó đem gạo ngâm nước cho đến khi hạt gạo có vị chua và căng mọng, đem vớt, để ráo rồi cho vào xay. Phải xay gạo thật nhuyễn, hạt gạo hòa cùng những giọt nước trong trẻo tan ra thành bột mịn và trắng muốt.

Xay bột xong sẽ tiến hành tráng bánh. Điều đặc biệt ở bánh đa Kế, là người ta tráng bánh hai lần để bảo đảm độ dày dặn. Khi bánh chín, dùng một ống nứa dài và to đặt lên một đầu chiếc bánh rồi quấn lại thật nhẹ nhàng, khéo léo khoảng nửa vòng, từ từ đặt miếng bánh xuống một chiếc phên và gỡ bánh ra. Sau đó, người ta rắc một lượt vừng đen cùng lạc sống giã giập lên trên.

đặc sản bánh đa Kế

Phơi bánh dưới nắng không quá nhạt nhưng cũng không quá gắt

Bánh tráng xong được đem phơi hai lần cho khô kiệt. Phải phơi bánh dưới nắng không quá nhạt nhưng cũng không quá gắt. Khi bánh se mặt và vẫn còn dẻo, phải kịp thời gỡ bánh cho khỏi dính vào phên tránh bị vỡ, hoặc thủng. Sau đó, lật sang mặt còn lại và phơi tiếp cho đến khô. Phải làm như thế bánh mới giòn tan và ngon.

Bước cuối cùng của sản xuất bánh đa Kế đó là quạt bánh. Đây là khâu khó nhất để làm ra chiếc bánh chín đều thơm ngon. Bánh đa được quạt bằng than hoa, lửa đều, kỹ thuật nướng bánh đòi hỏi sự khéo léo. Một tay quạt liên tục, một tay lật bánh đều hai mặt cho đến khi nào bánh nở phồng đều, cong lên khum khum, từ từ chuyển sang màu vàng ruộm và mùi thơm của vừng, lạc lan tỏa là bánh đã chín.

Với giá rất bình dân từ 10.000-15.000 đồng một chiếc, bạn đã có thể thưởng thức những chiếc bánh đa Kế giòn tan và thơm bùi hương vị của lạc, vừng. Từ một món quà vặt miền quê dân dã, ngày nay bánh đa Kế đã trở thành đồ ăn không thể thiếu trên bàn nhậu của người dân thành thị ở nhiều vùng của cả nước.