1
Bạn cần chúng tôi tư vấn gì không ạ?

Hương vị thịt chua Thanh Sơn khiến du khách say lòng

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

 

thịt chua Thanh Sơn ngon

Vùng đất Thanh Sơn nổi tiếng với món thịt chua

Vùng đất Thanh Sơn, Phú Thọ không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử văn hóa gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước, những đồi chè xanh tươi ngút ngàn… mà còn gây ấn tượng với nền ẩm thực đa dạng, phong phú. Trong đó, có những món ăn, chỉ mới nghe tên thôi là đã cảm thấy khẩu vị được “đánh thức” - “Lạ lùng rêu đá, đậm đà thịt chua”.

Về nguồn gốc của món thịt chua, trước kia người Mường đã nghĩ ra cách làm thịt chua để bảo quản được lâu dài. Khi đó, thịt lợn mổ xong được cắt thành miếng to, đem ướp muối rồi cất đi sử dụng dần.

Sau này, người ta chế biến, gia giảm thêm nhiều gia vị khác nhau và dần hình thành nên món thịt chua đặc sản như ngày nay. Cách làm món thịt chua không phức tạp nhưng lại đòi hỏi bàn tay khéo léo, cẩn thận và nhất là phải đảm bảo sạch sẽ.

món thịt chua Thanh Sơn

Cách làm món thịt chua không phức tạp nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo

Bước quan trọng đầu tiên là việc chọn thịt mông, vai, thăn phải đảm bảo được sự tươi ngon. Sau đó, làm sạch, lọc hết gân rồi đem nướng trên chảo gang hoặc thui rơm. Việc nướng thịt thế nào cho chuẩn là một bí quyết giúp cho món thịt chua có hương vị và chất lượng chuẩn nhất.

Phần thịt nạc được pha ra từng khổ và chỉ nướng chín bề mặt ngoài, còn thịt sống bên trong sau khi tẩm ướp gia vị sẽ tự lên men và tự chín. Đây chính là điều tạo nên hương vị đặc trưng của thịt chua. Khi được nướng xong thì thịt được thái thành những miếng mỏng đều nhau sao cho đẹp mắt.

Đối với thịt chua thì thính là nguyên liệu không thể thiếu. Thính được làm từ gạo và ngô loại ngon, sạch, đem rang đều tay rồi nghiền thành bột. Những loại hạt này, nếu rang không đúng cách, có thể làm hỏng cả mẻ thịt.

Sau đó, rắc thính và các loại gia vị vào thịt, trộn thật đều. Với người Mường thì muối và hạt dổi là những thứ không thể thiếu để tạo nên hương vị của thịt chua.

món thịt chua

Thịt chua chấm với tương ớt thì mới dậy lên vị đúng điệu

Thịt được trộn đều với gia vị xong thì cho vào ống nứa hoặc hộp nhựa đảm bảo an toàn. Chọn những ống nứa tươi từ 6-8cm, lá ổi bánh tẻ rửa sạch để khô, lót đáy và quây xung quanh thành ống, nhồi thịt vào ống thật chặt, rắc thính phủ kín, đậy lá ổi và đóng chặt lại.

Sau khi nhồi xong thịt vào ống nứa thì đem ủ khoảng 3-4 ngày thì thịt sẽ lên men và chín ngẫu. Thịt chua Thanh Sơn thường ăn kèm với lá sung, lá ổi, lá đinh lăng... hoặc có thể kèm rau húng, bạc hà, rau mùi tùy thích. Thịt chua không ăn cùng với nước chấm pha loãng mà phải chấm với tương ớt thì mới dậy lên vị đúng điệu.

Khi ăn có vị bùi bùi của thịt, sần sật của bì nướng, béo ngậy của mỡ lợn lửng, vị mặn vừa phải của gia vị, hòa quyện cùng vị chua chua thơm lừng của thính đã lên men, vị chát ngọt của lá cây rừng và vị cay của tương ớt. Ăn từng miếng thịt chua là cảm nhận được cái vị vô cùng đặc biệt đọng nơi đầu lưỡi, chắc hẳn chẳng có thực khách nào quên nói lời xuýt xoa. 

Trên thực tế, nhiều vùng khác ở Phú Thọ cũng có món đặc sản này, nhưng thịt chua đất Thanh Sơn lại có hương vị riêng và đặc biệt nhất. Hiện nay, sản phẩm này đang trở nên phổ biến và được nhiều người yêu thích hơn, xuất hiện tại một số vùng miền trên cả nước. Nếu như bắt gặp ở đâu đó món thịt chua Thanh Sơn, thì bạn đừng quên thưởng thức nhé!