1
Bạn cần chúng tôi tư vấn gì không ạ?

Mê mẩn với vị thơm mềm, béo ngậy món bánh tai Phú Thọ

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

 

bánh tai ngon

Bánh tai là món ăn không còn xa lạ với những người con Phú Thọ

Phú Thọ không chỉ nổi tiếng với di tích lịch sử đền Hùng mà còn khiến nhiều du khách thập phương nhớ đến với những món ăn dân dã nhưng hương vị đặc sắc khó có ngôn từ nào diễn tả nổi. Trong số đó, phải kể đến món bánh tai - cái tên chỉ nhắc đến thôi đã thấy tò mò.

Bánh tai có nguồn gốc từ thời xa xưa, được gọi với tên khác là bánh Hòn. Cái tên này có lẽ bắt nguồn từ hình dáng chiếc bánh tựa như cái tai được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn với công thức và những nguyên liệu đặc biệt khác.

Bánh tai là món ăn không còn xa lạ với những người con Phú Thọ từ nhiều năm nay, thường được dùng làm thứ quà ăn sáng. Bánh có màu trắng đục, thơm mùi bột quyện trong mùi thịt ngầy ngậy, khiến ai ăn một lần là nhớ mãi không bao giờ quên.

Nhìn chiếc bánh tai đơn giản như thế nhưng để có được những chiếc bánh ấy là cả một công đoạn làm bánh công phu, khéo léo mà không phải ai cũng thực hiện được.

Theo kinh nghiệm của những người dân nơi đây, để làm được chiếc bánh tai ngon thì khâu quan trọng nhất là lựa chọn gạo. Đó là loại gạo tẻ ngon, trắng, dẻo. Sau khi đãi thật sạch, ngâm nước từ 3- 4 tiếng đến khi nào cầm hạt gạo ở 2 đầu ngón tay ve thấy gạo vỡ vụn là được, để ráo nước thì đem nghiền nhỏ thật mịn.

bánh tai phú thọ

Bánh tai có màu trắng đục hấp dẫn, thơm lừng mùi gạo mới

Tiếp đó nắm bột gạo đã giã nhuyễn thành từng nắm cho vào nồi nước đun sôi, lửa liu riu trong khoảng 15-20 phút. Vớt nắm bột ra và cho vào cối đá giã nhuyễn, đánh tơi cho đến khi bột dẻo đều. Đây là bước quyết định đến chất lượng và sự thơm dẻo của bánh, chỉ có những người có kinh nghiệm mới làm được điều này.

Sau đó, dùng tay nặn bột thành bánh cùng với nhân đã được làm sẵn trước đó. Nhân bánh được làm từ thịt lợn lẫn chút mỡ ngon, giã nhỏ cùng với hành khô và một số gia vị như: hạt tiêu, muối, mì chính…

Xếp bánh vào khay bằng nhôm hoặc chõ xôi hấp cách thủy khoảng 30 phút. Trong khi hấp cần để lửa thật to để bánh chín đều và giữ được vị ngon đặc trưng.

Khi chín, bánh tai có màu trắng đục hấp dẫn, thơm lừng mùi gạo mới. Khi ăn, vị dẻo bùi của bột gạo, vị thơm quyến rũ của hành, quyện với vị ngon ngậy của nhân ngấm đều cả chiếc bánh mà không hề thấy ngán.

Ăn bánh tai ngon nhất là lúc chiếc bánh vừa mới ra lò, còn thoảng chút hơi nóng, lót tay bằng mảnh lá chuối hoặc cầm trực tiếp. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều người mua bánh về nhà, chấm thêm nước mắm vắt chanh, quất, ớt, tiêu… nhấm nháp từng miếng một thì vô cùng tuyệt vời.

Đặc biệt, người dân ở miền cọ xanh này còn ăn bánh tai với cháo trắng nấu loãng. Cách ăn này làm cho món bánh thanh vị, nhẹ nhàng, khiến những du khách phải trầm trồ, muốn ăn thêm chút nữa, ăn đến no mà không bị ngấy.

Ngay nay, bánh tai là một đặc sản mà hầu như làng quê Phú Thọ nào cũng có. Đây được coi như một thứ quà quê dân dã, dung dị nhưng lại có sức mê hoặc đặc biệt với du khách khi có dịp đặt chân đến vùng đất Tổ này.