1
Bạn cần chúng tôi tư vấn gì không ạ?

Lên Tây Bắc thưởng thức món rêu đá ngon lạ, dậy mùi thơm phức

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

 đặc sản rêu đá

Rêu đá là món rau đặc sản của người dân Tây Bắc

Vùng núi Tây Bắc không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ mà còn có nền văn hóa ẩm thực độc đáo của các đồng bào dân tộc sinh sống ở đây. Ngoài những món ăn quen thuộc như: xôi tím, thịt trâu gác bếp, thắng cố, nậm pịa, pa pộp tỉnh… thì không thể không nhắc đến món đặc sản lạ lẫm, giản dị với hương vị đặc trưng mang tên rêu đá.

Món rêu đá bắt nguồn từ truyền thuyết về một đôi trai gái yêu nhau nhưng lại gặp sự cản trở của vị Chúa đất nơi họ sinh sống, họ đã quyết định cùng nhau chạy trốn tới một đỉnh núi cao. Cô gái khóc nhiều đến nỗi nước mắt của nàng chảy thành dòng nước lớn đổ từ trên đỉnh núi.

Cuối cùng, để được bên nhau mãi mãi, họ đã lao xuống dòng nước đó. Cơ thể của người thanh niên đó đã hóa thành những mảnh đá, còn mái tóc dài của cô gái lại biến thành một loại rêu mọc trên những tảng đá đó.

Và từ đó, rêu đá trở thành món rau đặc sản của người dân Tây Bắc. Tuy nhiên, do số lượng có hạn, không thể vận chuyển đi xa và thời gian bảo quản ngắn nên rêu đá vẫn còn khá xa lạ với người dân ở các địa phương khác.

rêu đá ngon

Rêu đá sau khi hái có thể bảo quản tươi được vài ngày

Rêu đá sau khi hái có thể bảo quản tươi được từ 2-3 ngày. Nhưng món đặc sản này chỉ có theo mùa nên nhiều gia đình thường lấy rêu non về phơi khô để dành ăn dần hoặc dùng trong các dịp trọng đại như cưới hỏi, lên nhà mới hay lễ hội.

Rêu được chia thành 3 loại. “Cui” là loại rêu mọc thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm. “Cay” là loại rêu có sợi mọc rời rạc màu xanh. “Tau” là loại rêu mọc thành từng mảng ở ao hoặc các khe suối, không bám chặt vào đá.

Rêu đá thường mọc ở nơi các nguồn nước chảy mạnh, chân thác, bám vào những tảng đá lớn… Khi hái rêu thì lấy theo chiều dòng nước chảy để rêu không bị nát, chỉ lấy phần thân non tơ sạch sẽ. Sau đó, dùng những cây gỗ to đập cho rêu bung lớp đất cát bám bên ngoài, đến khi rêu mềm ra thì đưa vào rổ, rửa lại dưới nước cho thật sạch.

Từ rêu đá, có thể chế biến thành nhiều món như luộc, nộm, xào, nấu canh hay nướng. Trong đó, rêu đá nấu canh là món đơn giản nhất. Sau khi rửa sạch, người ta cắt rêu thành các đoạn nhỏ rồi cho vào nước luộc gà hoặc xương hầm, nêm nếm gia vị vừa khéo, đến khi chín sẽ dậy lên hương thơm hấp dẫn.

canh rêu đá

Rêu đá nấu canh là món chế biến đơn giản nhất

Với những mẻ rêu non, người dân nơi đây thường dùng để chế biến nộm. Rêu rửa thật sạch, cho vào chõ đồ chín tới rồi trộn cùng bột canh, mì chính và các gia vị như gừng, mùi, “mắc khén”. Người thích ăn cay có thể cho thêm ớt nướng giã nhỏ.

Tuy nhiên, trong tất cả các món ăn từ rêu đá thì món nướng là thơm ngọt đặc biệt nhất. Rêu sạch cắt khúc, nêm gia vị  như mì chính, gừng, sả, hành, hạt sen…, bọc trong các loại lá dong, lá chuối rồi nướng trên than hoa hay vùi trong tro nóng.

Để làm tăng thêm sự thơm ngon của món này, người dân thường nướng kèm với thịt lợn, cá suối, khi ăn rêu nướng sẽ mỏng giòn và dậy mùi thơm phưng phức. Nhâm nhi rêu đá nướng với chút rượi cay cay, quây quần bên gia đình, bạn bè thực sự là một điều tuyệt vời.

Rêu đá không chỉ là món ăn gắn bó với bữa cơm của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc mà đó còn là nét văn hóa ẩm thực khiến du khách thực sự tò mò. Nếu có dịp lên Tây Bắc, bạn nhớ thưởng thức món ăn này nhé!